Lợi dụng trồng, sử dụng cây gai dầu 

Lợi dụng trồng, sử dụng cây gai dầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy sẽ bị xử lý về hành chính hoặc hình sự tùy theo từng trường hợp cụ thể

Câu hỏi:

Theo tôi tìm hiểu, cây gai dầu là một loài cây có giá trị kinh tế cao, có thể ứng dụng trong dệt vải, ép dầu (với giá trị ngang với dầu oliu), làm các sản phẩm thủ công, làm phân bón, chất đốt, v.v… Tuy nhiên, cây gai dầu lại thuộc cùng họ với cần sa dù hàm lượng THC rất thấp và đã được nhiều nước cho phép. Vậy tôi muốn hỏi về quy định của pháp luật Việt Nam về việc trồng và làm các sản phẩm từ cây gai dầu là như thế nào? Nếu được phép trồng thì thủ tục và quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Cây gai dầu hay còn gọi là cây lanh, tên khoa học là Cannabis Satival thuộc họ Gai mèo Cannabinaceae là dòng cây có chứa chất kích thích.

Cây gai dầu có thành phần chủ yếu là Cannabidiol (CBD), chất Delta-9- Tetrahydrocannabinol (THC) là chất ma túy được quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐCP ngày 25/8/2022 của Chính phủ, tuy nhiên chất này trong cây gai dầu thường có hàm lượng thấp, dưới 0,3%.

Về hình thức cây gai dầu khá giống với cây cần sa, song về thành phần, cây cần sa có thành phần chính là chất THC.

Theo Nghị định số 57/2022/NĐCP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định thì cây gai dầu là cây không nằm trong các mục cấm; tuy vậy theo quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì cây gai dầu nằm trong phạm trù “các loại cây khác có chứa chất ma túy”.

Do đó, quá trình tiến hành xử lý các vụ việc cần xác định giống cây (giám định tên khoa học) cụ thể đối với mẫu vật nghi là cây gai dầu hay cây cần sa. Đối với trường hợp là cây gai dầu cần xác định mục đích, hành vi cụ thể của đối tượng, trong đó: 

– Trường hợp: Trồng và sử dụng cây gai dầu và các chế phẩm từ cây gai dầu nhằm vào mục đích dân sinh như: lấy sợi dệt vải, làm thức ăn cho gia súc, làm chất đốt… thì không xử lý về hành chính và hình sự.

– Trường hợp: Đối tượng lợi dụng trồng, sử dụng cây gai dầu và các chế phẩm từ cây gai dầu với ý thức chủ quan nhằm mục đích khai thác chất gây nghiện, lôi kéo, kích động, tổ chức sử dụng không vì mục đích dân sinh, văn hóa, truyền thống, mà thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, thì căn cứ vào hành vi cụ thể để xem xét xử lý về hành chính hoặc hình sự tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Nếu hành vi là trồng cây gai dầu với số lượng lớn để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh liên quan trong Bộ luật Hình sự như: Tội trồng cây có chứa chất ma túy (Điều 248), tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 247), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249),… với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Nhìn chung, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào số lượng, tính chất, mục đích sử dụng cây gai dầu để đánh giá mức độ vi phạm và có hình thức xử lý thích hợp, nhằm đảm bảo công tác phòng chống ma túy.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *